THẦY, CÔ GIÁO LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN

Lượt xem:

Đọc bài viết

THẦY, CÔ GIÁO LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN

Kính thưa quý bậc đại biểu!

Kính thưa những người vừa là người thầy, người cô đáng kinh, vừa là người đồng nghiệp thân thương, những người đã luôn đồng hành cùng tôi đi qua những ngày mưa trong tiết trời mua đông se lạnh, đã đi qua những ngày nắng trong tiếng ve sầu kêu râm ran hòa trong tiếng giảng bài, và đã đi qua những mùa xuân ấp áp dưới mái trường mang tên THPT Trà Bồng.

Vâng! 10 năm trong nghề, một con số tròn trĩnh và dâng lên trong tôi một niềm tự hào mãnh liệt đến cay cay khóe mắt. Thanh xuân của tôi không có một giấc mơ nào mang tên nghề nhà giáo, sao có thể mơ khi mỗi ngày đến trường vẫn luôn thấy sự nhọc nhằn của cô thầy bên trang giáo án dưới ánh đèn dầu leo lắt? Sao có thể mơ khi mỗi ngày mùa đông trong cái lạnh như dao, như cắt,  thầy cô chúng tôi đã phải chống chọi cùng lũ học trò nghèo trong một ngôi trường xiên vẹo trên đỉnh đồi giữa bạt ngàn là bông cỏ lâu và đồi núi? Thế nhưng thời ấy trong tôi có một tình yêu thật khó lý giải, yêu thơ ca và luôn có những rung cảm mạnh m trước cuộc sống. Tình yêu ấy có lẽ bắt nguồn từ bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan với những cung đường mùa thu tuyệt đẹp của xứ sở Bạch dương, những ngày tôi nhớ mình đã ngồi trầm tư, lắng đọng trong tiếng đọc thơ như hòa vào tiếng gió của cô giáo dạy văn “Thêm một chiếc lá rụng, Thế là thành mùa thu. Thêm một tiếng chim gù, Thành ban mai tinh khiết”. Cô – một “Mùa thu dịu dàng” bắt đầu tuổi 16 tinh nghịch của chúng tôi với những hướng đi mới, cô đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, người “tiền bối” ấy đã cho chúng tôi hơn cả những kiến thức là những triết lý của văn chương, của cuộc sống, của cái đẹp giữa đời bao la rộng lớn này. Tuổi 16 trong veo đó, chúng tôi có Cô, hơn cả một người Cô đó là một người Mẹ – nghiêm khắc khi chúng tôi phạm lỗi và dịu dàng, ấm áp bên cạnh khi lũ học trò ngỗ ngáo chông chênh trong ranh giới mong manh giữa tình bạn và tình yêu tuổi học trò. Giấc mơ nghề nhà giáo trong tôi trỗi dạy phải chăng cũng bắt đầu từ những mạch nguồn cảm xúc của ngày ấy? 10 năm trong nghề với biết bao những buồn vui, đã có vài thế hệ học trò đi qua, đã có những kỷ niệm không thể gọi tên bằng lời, đã có những lúc bất lực với những đứa học trò ngỗ ngáo, đã có những lần trăn trở trong cách giáo dục học sinh và trong số những lần trăn trở đó tôi chợt chiêm nghiệm nhận ra một đều rằng: Đôi khi hãy học cách lắng nghe và chia sẽ như một người Chị, hãy yêu thương, vị tha và ấm áp như một người Mẹ. Chính tình yêu thương và chia sẽ đó đã gắn kết thêm tình thầy trò, hướng các em vào những suy nghĩ và hành động tốt đẹp và tạo ra những hạt giống hạnh phúc cho cuộc đời.

Kinh thưa quý bậc đại biểu

Kính thưa các bạn đồng nghiệp thân mến!

Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều biết đến một cuốn sách có tựa đề “NGƯỜI KỸ SƯ TÂM HỒN” viết về cuộc đời của nhà giáo V.A.Xu-khôm-lin-xki, “một con người chân chính”, một nhà giáo lỗi lạc với câu nói bất hủ truyền cảm hứng cho bao thế hệ nhà giáo “Trái tim tôi dâng hiến cho trẻ”. Trong cuốn sách, có một trích đoạn rất hay viết như thế này: “Chỉ qua tiếp xúc với các em học sinh, nhà giáo mới có thể tìm tòi và phát hiện được mà thôi. Chính trong giờ lên lớp, khi ta nhìn thấy những suy nghĩ hiện lên trong đôi mắt các em, khi ta nghe thấy suy tưởng của các em, là lúc ta cảm thấy nhịp đập đời sống tinh thần sôi động của các em” Đọc được trích đoạn ấy tôi lại chiêm nghiệm thêm một đều rằng: Trước khi chúng ta trở thành những người Thầy, người Cô đáng kính, ai trong chúng ta cũng đã từng trãi qua tuổi học trò vô tư, hồn nhiên, cố chấp, nghịch ngợm và đã từng hơn một lần bốc đồng, nông cạn làm buồn lòng thầy cô, và rồi lại cảm thấy hối lỗi nhưng không thể hiện bằng lời nói, rồi lại bồn chồn, lo lắng khi thấy thầy cô buồn nhưng chẳng bao giờ chịu nói lời xin lỗi vì cái tôi quá lớn. Rồi cũng có lúc bâng khuâng, xao xuyến chỉ vì một cơn mưa rào lúc giao mùa, hay một cánh bằng lăng tím báo hiệu mùa chia xa của năm cuối cấp,… Ai đó nói rằng: Ký ức như một người bạn luôn dõi theo chúng ta trong mỗi hành trình. Mỗi khi chúng ta quay đầu nhìn lại, dù ở thời điểm nào, chúng ta vẫn nhận ra kỷ niệm đáng quên ấy như là một phần ký ức vô cùng tươi đẹp. Vậy nên, hình ảnh ngày ấy của chúng ta đã và đang hiện hữu trong đôi mắt, cử chỉ, điệu bộ và tính cách của những đứa học trò ngày ngày vẫn gọi bạn là Cô, là Thầy. Sẽ không tránh khỏi những lỗi lầm đáng có, sẽ không tránh khỏi những lời nói dù là vô tình hay cố ý cũng làm cho chúng ta phiền lòng. Vả các bạn đồng nghiệp ơi, hãy chậm lại một giây, chậm lại một giây thôi, hãy đặt mình vào vị trí của “em ấy” để hiểu, để cảm thông, để vị tha và cả lòng bao dung nữa. Chúng ta vẫn thường hay so sánh “Học sinh ngày nay vô cảm, thiếu quan tâm, quý trọng Thầy cô như học sinh ngày xưa”. Với tôi, tôi vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng dù là học sinh ngày nay hay ngày xưa thì chỉ cần chúng ta làm những điều “Chạm đến trái tim” thì dù là sỏi đá cũng hóa những yêu thương. Vậy nên, bên cạnh lời giảng bài chỉ với  những định luật và con số, những công thức v phương trình, những diễn biến, nguyên nhân và ý nghĩa của cách mạng thắng lợi, những lập trình phần mềm, thuật toán hay phân tích và chứng minh nhân vật, … hãy thổi vào đó một làn gió mang hơi thở của tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu hòa bình, hãy khơi dậy lòng đam mê và đánh thức lòng yêu thương con người nơi các em. Hãy mang vào lời giảng không chỉ là nội dung và kiến thức mà là cả một bầu trời của khát vọng và ước mơ.  Để làm được đều đó, trước khi là một người Thầy, người Cô, hãy là người Bạn – biết lắng nghe và chia sẽ tích cực. Tôi có đọc một câu châm ngôn hay “Người bạn thật sự là người biết khích lệ, động viên khi bạn vươn lên; biết mừng vui khi bạn hạnh phúc, biết bật khóc sẻ chia khi bạn đau buồn, biết tìm đến bạn khi bạn cô đơn. Người bạn thật sự là người mà dù bạn không gặp nhưng bạn luôn thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ đến.” Tôi tin chắc rằng, cái gọi là “Tình bạn” giữa Trò và Thầy sẽ là động lực, tiếp thêm sức mạnh để các em có quyền tự hào và reo lên“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

Thay cho lời kết, tôi xin trích đoạn lời của một bài hát như một lời chia sẽ:

“Nhà là nơi Bố đồng tình
cùng Con lao vào bếp
Mẹ vừa nếm đã tươi cười
đồ ăn ngon được phết
Nhà là nơi cứ rộn ràng làm say mê nhà khác
tính tình tang Bố chơi đàn
hòa theo con Mẹ hát…”

Hãy để trường học không chỉ là trường học mà còn là “Nhà”  nơi có Cha, có Mẹ, có anh, có chị  để cho “Dù đi xa bao nhiêu, đi lâu thế nào, chỉ cần có một nơi gọi là “Nhà” để trở về, lòng sẽ thấy bình yên”.

GV: Nguyễn Thị Hiếu Thảo