Ý NGHĨA NGÀY 20-11
Lượt xem:
Kính thưa Quý thầy giáo cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh yêu quý!
Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi đến quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo và các em học sinh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang”. Những lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự, là nguồn động viên quý báu cho các thế hệ thầy cô giáo.
Cách đây 36 năm theo nguyện vọng của các nhà giáo và của toàn dân, theo đề nghị của BGD và Công đoàn GD VN, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là chính phủ) đã ra QĐ số 167-HĐBT, chính thức lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Ngay sau khi QĐ trên ra đời, “Ngày Nhà giáo Việt Nam”đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Từ đó đến nay “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đã trở thành ngày kỷ niệm của tòan xã hội rộng lớn ở nước ta. Đó là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đp đối với ngành GD&ĐT và đối với những người làm công tác giáo dục, khẳng định những cống hiến và đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo. Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người VN mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn XH đối vơí các Thầy cô giáo đòi hỏi mỗi chúng ta phải không ngừng phấn đấu rèn luyện trau dồi đạo đức, tình yêu nghề nghiệp, phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ xứng đáng với vinh dự của một nghề cao quý.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý Thầy Cô giáo!các em học sinh thân mến
Trong lòng tôi luôn vang vọng câu nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Vâng! Có thể nói nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý!
Hôm nay, trong tôi có biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng. Những người thầy giáo cô giáo như những con đò cần mẫn chở khách sang sông mong đến ngày cập bến.
“Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa
Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược
Khách sang sông tiếp hành trình phía trước
Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò…?”
Biết bao cảm xúc cần được san sẻ, giải bày, tâm sự. Biết bao ước mơ và khát vọng về một ngày mai những chuyến đò cập bến. Khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng vươn lên để rồi cùng trở lại với khúc ru về những chuyến đò đưa người qua bến. Lặng lẽ, cần mẫn, nhẫn nại…những chuyến đò cứ chở Đạo và Đời, chở những con chữ buồn vui đến với bao tâm hồn trẻ thơ nhỏ dại. Bỏ lại những đêm trằn trọc, suy tư bên trang giáo án; bỏ lại những lo toan, bề bộn của cuộc sống đời thường để cùng hướng đến mục tiêu cao cả và duy nhất trong cuộc đời nhà giáo: Tất cả vì học sinh thân yêu!
Vâng! Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “tháng tháng, năm năm vẫn không ngừng chèo lái con thuyền”.
Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa. Hãy ghi nhớ công ơn thầy cô và làm những điều tuyệt vời nhất như những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô.
Dẫu rằng thầy không phải là tất cả, nhưng tôi luôn tâm đắc với câu nói của ai đó đã từng nói: “Thầy ơi, lòng sông sâu con sào dài đo được, lòng người đưa đò ai đo được sự bao la”
Cuối cùng tôi xin chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc trong ngày 20-11, chúc các em học sinh học tập thật tốt, xứng đáng là con ngoan của cha mẹ, trò giỏi của thầy cô, phấn đấu hết mình để trở thành người chủ tương lai của đất nước. Chúc buổi lễ của chúng ta thành công tốt đẹp!
Xin chân thành cảm ơn!